Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014


Tuần tới, công ty công nghệ sinh học Oxitec, trụ sở ở Abingdo (Anh) sẽ cho ra đời hàng triệu con muỗi biến đổi gen từ một nhà máy tại Campinas, Brazil. Trong một nỗ lực kiềm chế sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết dengue. Nhận thức muỗi vằn là trung gian truyền bệnh, các nhà khoa học sẽ cho những con muỗi biến đổi gen này giao phối với muỗi cái, tạo ra một thế hệ muỗi con bị khiếm khuyết và chết trước lúc trưởng thành. Điều này làm cho khả năng truyền bệnh của muỗi bị cắt giảm đáng kể. Tháng 4 vừa qua, Ủy ban Quốc gia kỹ thuật an toàn sinh học Brazil (CTNBio) đã cho phê duyệt phương án này.

Nhà nghiên cứu Margareth Capurro thuộc Đại học Sao Paulo (Brazil) gần đây cũng đã tiến hành thực hiện một thí nghiệm nhỏ tại Jacobina, qua đó cho thấy ảnh hưởng của muỗi biến đổi gen đến việc hạn chế sinh sản, hạn chế truyền bệnh. Tuy nhiên, vì thử nghiệm trong phạm vi khá nhỏ nên vẫn phải tiếp tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn, theo ông Capurro. 

Trong khi đó, hãng Oxitec vẫn rất tự tin với chiến lược của mình: "Trong mỗi thử nghiệm, chúng tôi đã chứng minh được sự kiểm soát tuyệt vời của muỗi biến đổi gen trong một môi trường đô thị". Mặt khác, giới chuyên gia cũng cho rằng việc dùng muỗi biến đổi gen về lâu về dài khá là tốn kém vì phải sản xuất số lượng lớn và đưa ra môi trường mỗi năm. Được biết nếu sử dụng phương pháp này, hằng năm họ sẽ phải chi ra hàng triệu USD.