Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014


BlackBerry hiện nay không còn giũ vị trí như 5 năm về trước. Doanh số giảm, mất thị phần và tình hình tài chính ảm đạm là những cụm từ có thể dùng để mô tả BlackBerry trong thời điểm bây giờ. Mặc dù khó khăn là thế nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn đang nỗ lực hết mình nhằm đưa BlackBerry quay trở lại với sự xuất hiện của nhiều thiết bị mới mang tính khác biệt cao. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng quay ngược thời gian để xem sự suy giảm của công ty bắt đầu ra sao và công cuộc lội ngược dòng của hãng hiện đang diễn ra như thế nào.

Nguyên nhân của sự suy yếu

Có nhiều lý do, nhưng một trong số những nguyên nhân khiến BlackBerry suy yếu đó là vì ban lãnh đạo công ty gần như không lắng nghe điều mà người dùng thật sự muốn ở một chiếc smartphone hiện đại. Apple và Google đã dồn nguồn lực của mình để tạo ra giao diện người dùng cũng như cách tương tác càng đơn giản càng tốt, đồng thời nỗ lực mang trải nghiệm duyệt web trên máy tính lên điện thoại và cung cấp nhiều lựa chọn ứng dụng. Trong khi đó, BlackBerry lại "nghiện" những thứ cao cấp như hiệu năng truy cập, bàn phím và bảo mật. Nói đúng ra thì đây không phải là những thứ tồi tệ, chúng rất có ích đối với doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng đáng tiếc rằng người dùng thông thường thì họ lại không quan tâm. Họ chỉ cần một cái điện thoại đủ tốt để lướt web, duyệt mail, lên Facebook, chat chit, chụp ảnh và chia sẻ nội dung với bạn bè.



Công bằng mà nói thì BlackBerry cũng đã nỗ lực để tạo ra những sản phẩm theo xu hướng smartphone hiện đại, ví dụ như chiếc Storm 9500 mà bạn thấy ở đây. Tuy nhiên, hãng vẫn chưa thực hiện nhiều thay đổi về mặt phần mềm vào thời điểm thiết bị này ra mắt. Mãi đến năm 2010, RIM (tên khi đó của BlackBerry) mới mua lại công QNX và bắt đầu việc cải tổ toàn bộ hệ điều hành BlackBerry OS đang dần trở nên lạc hậu và già cỗi. Thật không may, thời điểm đó đã quá trễ - Android và iOS đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả với các doanh nghiệp vốn từng trung thành với việc sử dụng điện thoại có logo chùm dâu.

Cuộc cách mạng thất bại

Nỗ lực đáp trả lại iPad của BlackBerry đã không thành công. Chiếc PlayBook thời đó được kì vọng sẽ gây chấn động mạnh trên thị trường nhờ kích thước nhỏ gọn nhưng vẫn được trang bị nhiều tính năng tiên tiến, kèm theo đó là một giao diện được tối ưu hóa cho việc cảm ứng bằng ngón tay dựa trên nền QNX. Tuy nhiên, PlayBook hóa ra chỉ là một sản phẩm chưa được hoàn thiện, quá nhiều tính năng phần mềm còn thiếu, trong khi BlackBerry thì cố gắng giao máy nhanh nhất có thể. Giờ đây những chiếc tablet BlackBerry vẫn còn xuất hiện trên thị trường và vẫn còn được nhiều người dùng sẵn đón, tuy nhiên nó chưa bao giờ có thể thật sự cạnh tranh với iPad nói riêng và các tablet hiện đại khác nói chung.

BlackBerry 10 lại là một chuyện khác. Nền tảng này được làm mới hoàn toàn so với các bản BlackBerry 7 trước đó, nó có giao diện thật sự tối ưu cho cảm ứng, các icon to rõ, thao tác trượt đa dạng, tuy nhiên những thiết bị chạy BlackBerry 10 thì lại không thành công như mong đợi. CEO Thorsten Heins vẫn còn kế thừa quá nhiều điểm yếu của hai người tiền nhiệm - cũng là hai đồng sáng lập BlackBerry Jim Balsillie và Mike Lazaridis. Heins đã cho ra mắt chiếc điện thoại Z10 với màn hình cảm ứng to và không có bàn phím vật lý trong lúc các fan BlackBerry lại mong muốn chiếc Q10 ra trước.


Chưa hết, cựu CEO này còn bác bỏ các kế hoạch đẩy mạnh mảng dịch vụ đáng lý ra đã có thể mang về thêm tiền cho công ty (ví dụ như quyết định bỏ kế hoạch thay thế trình nhắn tin SMS bằng BBM chẳng hạn). Dấu ấn còn lại của BlackBerry dưới thời Heins lãnh đạo chỉ là những con số thất thoát khổng lồ về mặt tài chính, kèm theo đó là các đợt sa thải lớn khiến BlackBerry trở thành một điểm đen của ngành công nghiệp di động trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Sứ mệnh giải cứu công ty

John Chen là người kế nhiệm cho CEO Heins sau khi ông này bất ngờ nghỉ việc (hoặc bị cho nghỉ việc). Chen đã dành nhiều tháng qua để cố gắng giải cứu BlackBerry khỏi tình hình tồi tệ của hãng với nhiều bước đi táo bạo: chuyển đơn hàng sản xuất qua cho Foxconn, bán bớt cách bất động sản dư thừa, cắt giảm số lượng model máy. Chen cũng đồng thời chấp nhận rằng ở thời điểm hiện tại, BlackBerry sẽ tạm quên đi giấc mở trở thành một công ty kết sù như những gì hãng từng đạt được, mà thay vào đó, ông sẽ dẵn dắt tập đoàn đi lên từng bước một nhưng vô cùng vững chắc.

Bên cạnh việc chấm dứt sa thải nhân viên, Chen còn giúp tập đoàn giảm thua lỗ trong những quý gần đây. Ông thậm chí còn kỳ vọng BlackBerry sẽ có lãi trở lại vào năm 2016, một tín hiệu rất đáng mừng.


Tập trung mảng doanh nghiệp

Chen đặt ra trọng tâm rằng BlackBerry sẽ dồn sức để lấy lại niềm tin từ nhóm khách hàng trung thành nhất của công ty: các doanh nghiệp và chính phủ, những người rất quan tâm tới vấn đề bảo mật trong hoạt động thường ngày của mình. Chen thậm chí còn cho xây dựng một trung tâm nghiên cứu về bảo mật tại Washington, Mỹ, đồng thời mua lại công ty chuyên về việc khóa dữ liệu giọng nói/văn bản mang tên Secusmart. BBM Protected cũng được triển khai nhắm đến đối tượng người dùng cần tính bảo mật chặt chẽ, bên cạnh đó còn là sự cải tiến các dịch vụ quản lý thiết bị hay thanh toán trực tuyến.

Nói tóm lại, việc đặt nhóm khách hàng này lên hàng đầu là điều cần thiết, và BlackBerry vẫn sẽ tiếp tục làm những gì họ giỏi.


Bản thân CEO Chen cũng từng đảm bảo rằng ông không có ý định bán đi hoặc từ bỏ mảng kinh doanh thiết bị di động trong khoảng thời gian sắp tới. "Tôi biết các bạn vẫn còn yêu các thiết bị BlackBerry. Tôi cũng yêu chúng và tôi biết chúng đã tạo nên nền tảng cho toàn bộ công ty này. Mục tiêu của chúng tôi thời điểm hiện tại là tìm ra cách để khiến cho mảng kinh doanh này đem lại lợi nhuận."

BlackBerry không phải chỉ là một công ty chuyên về thiết bị di động. Hãng cung cấp giải pháp đầu cuối và những thiết bị phần cứng, vốn cũng là một phần quan trọng trong hoạt động của công ty. Đó là lý do tại vì sao BlackBerry đang bổ sung vào mảng kinh doanh thiết bị di động với nhiều nguồn thu khác nhau đến từ những dịch vụ doanh nghiệp, phần mềm hay tin nhắn. Song song đó, BlackBerry cũng đầu tư vào những giải pháp đang nổi như công nghệ M2M (machine-to-machine) - đóng vai trò quan trọng trong Internet of Things.

Thiết bị: Tiếp tục giữ lại những gì hãng làm tốt

Chiếc BlackBerry Z3 được công bố gần đây là thiết bị full-touch mới nhất của hãng, thế nhưng nó không phải là một sản phẩm cao cấp mà lại là một chiếc smartphone tầm thấp. Nhờ thiết kế đẹp và chắc chắn, màn hình lớn cùng mức giá hấp dẫn, Z3 đã chiếm được tình cảm của người dùng ở những thị trường vẫn còn người yêu thích BlackBerry, chẳng hạn như Indonesia, khu Trung Đông và thậm chí là ngay tại Việt Nam này.

Ngoài ra hãng còn tiết lộ chiếc Classic, một thiết bị lai giữa các máy Bold truyền thống với những máy Q-Series đời mới nhằm mang lại các phím cứng đặc trưng cho BlackBerry từ trước đến nay. Công ty thậm chí còn tích hợp cả trackpad lên Classic, vốn là một thành phần đã bị loại bỏ khỏi Q10.


Sản phẩm lạ lùng nhất phải kể đến Passport. Chiếc smartphone này có thiết kế vuông không thể nhầm lẫn, màn hình to và bàn phím vật lý. BlackBerry đánh cược rằng màn hình to như vậy sẽ phù hợp những ai thường phải giải quyết công việc trên điện thoại, chẳng hạn như lướt web, check email, quản lý sự kiện lịch, ghi chú, mở các tập tin văn phòng...

Phần mềm: đặt cược vào những thứ an toàn

Về mặt phần mềm, có thể nói đây là thứ khiến cho BlackBerry lâm vào rắc rối trong những năm gần đây và bây giờ,Chen cùng ban lãnh đạo quyết đề ra một số kế hoạch lớn để thay đổi tình hình. Tính năng lớn nhất của BlackBerry 10.3 là Asisstant, một cô trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói có khả năng cạnh tranh với Siri của Apple, Google Now của Google cũng như Cortana của Microsoft. Ngoài ra, công ty còn hợp tác với Amazon để mang ứng dụng Android từ Amazon Appstore lên BB10, giảm thiểu các bước mà người dùng cần phải tự mình thực hiện khi muốn chạy ứng dụng Android.


Chưa dừng lại ở đó, BlackBerry đã và đang mở rộng dịch vụ nhắn tin BBM của công ty sang nhiều nền tảng khác. Hồi năm ngoái công ty đã mang nó lên Android và iOS, và sắp tới sẽ là Windows Phone. Tất cả đều là những màn đặt cược khá an toàn và nhiều khả năng nó sẽ giúp BlackBerry đi lên trong mắt người dùng.

Nhưng liệu kế hoạch có thành công?

Đây thật sự là một chuyện rất khó để dự đoán. Chen vẫn kiên quyết đưa ra những smartphone mới và vạch sẵn lộ trình cho việc giới thiệu sản phẩm, thế nhưng chúng vẫn không chắc rằng điều đó sẽ khiến doanh số được cải thiện. Ngoài ra, các đối thủ cũng đang cố gắng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong những lĩnh vực mà BlackBerry làm tốt. Ví dụ: Google mới đây đã tiết lộ về Android for Work với khả năng tách biệt không gian cá nhân và không gian làm việc trên một thiết bị duy nhất. Nó là giải pháp đánh trực tiếp vào BlackBerry Balance. Về phía Apple, hãng đã bắt tay cùng IBM nhằm mang lại những phần mềm tốt hơn cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp dựa trên các thiết bị di động.

Nói cách khác, kế hoạch của Chen có thể thành công trong việc cải thiện tình hình tài chính, nhưng còn trong dài hạn, hãng cần phải thuyết phục khách hàng rằng giải pháp do BlackBerry cung cấp là thật sự khác biệt và nó mang lại lợi ích thực tế cho tình hình kinh doanh của các công ty, tổ chức. Hãng không thể mãi dựa vào tính bảo mật của mình bởi vì nhiều đối thủ khác cũng có thể làm được như vậy, thay vào đó, BlackBerry nên tập trung nhiều hơn vào các giải pháp kết hợp phần cứng với phần mềm để đơn giản hóa công việc của người dùng, không phải làm phức tạp nó lên.

Chúng ta hãy tiếp tục chờ xem liệu Chen có thành công hay không nhé. Và hi vọng, lời hứa của ông sẽ thành hiện thực: "Hãy cứ yên tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi đã không từ bỏ và sẽ không rời bỏ mảng kinh doanh các thiết bị di động."