Bức ảnh được cho là "người ngoài hành tinh" do một thanh niên chụp được ở phố Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Hoang mang 'người ngoài hành tinh' vừa ghé thăm Hà Nội?
Bức ảnh kỳ lạ
Trung tuần tháng 7, anh Trịnh Văn Thùy sinh năm 1978 trú tại Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) là độc giả của báo có gửi đến tòa soạn một bức thư ngắn gọn về việc vô tình chụp được một sinh vật lạ mà anh cho rằng có thể là người ngoài Trái Đất.
Anh Thùy miêu tả, sinh vật có chiều cao khoảng 50 - 60cm, đầu tròn và to, hai mắt to lồi, trán rộng, cổ dài, có bốn cánh tay, 2 chân và bàn chân thuộc họ móng guốc. Thân hình và 6 chi của sinh vật này đều nhỏ bé.
"Sự việc diễn ra rất tình cờ vào ngày 12/7. Trong lúc tôi ngồi cùng 4 người bạn uống trà đá trên đường Lương Ngọc Quyến. Tôi lấy máy ra chụp ảnh khách nước ngoài đi lại trên con phố này và vô tình chụp được hình ảnh sinh vật", anh Thùy cho biết.
Bức ảnh được cho là “sinh vật lạ”.
Chúng tôi tìm gặp anh Thùy và những người bạn đó trên đường Lương Ngọc Quyến. Được biết, địa điểm anh Thùy hay ngồi là quán trà đá gần ngã tư Mã Mây gần đền Hương Tượng đã được Nhà nước cấp bằng di tích Quốc gia. Đây là con phố có nhiều khách nước ngoài qua lại tham quan và mua bán đồ lưu niệm.
Bức ảnh chụp sinh vật lạ hiện đang được anh Thùy lưu trong một máy tính bảng. Hình ảnh khá sắc nét, hầu như không có biểu hiện của việc ghép hay can thiệp đến nội dung bức ảnh. Sinh vật lạ đúng như anh Thùy miêu tả, có 6 chi trong đó có 4 tay. Thân hình nhỏ và đầu to giống hình ảnh "người ngoài hành tinh" mà các phương tiện truyền thông thế giới thường miêu tả.
Anh Nhữ Công Thỏa, người đã vô tình chụp được “sinh vật lạ”.
"Tôi cam kết không can thiệp tới bức ảnh"
Anh Trịnh Văn Thùy hiện đang làm trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu tại Hà Nội. Trước hôm chụp được bức ảnh sinh vật lạ, anh Thùy có mua một máy tính bảng và lên phố Lương Ngọc Quyến tụ tập với bạn bè.
Tại đây, bạn của anh Thùy là anh Nhữ Công Thỏa là kỹ sư xây dựng đang làm công trình trên đường phố này có mượn máy tính bảng của anh Thùy để chụp hình người qua đường. "Tôi chụp 6 bức liền nhưng không xem lại. Tôi cũng không mở bất cứ một chế độ ghép hình nào trên bức ảnh", anh Thỏa khẳng định.
Tối hôm đó anh Thùy mở máy để làm việc, khi xem lại mấy bức ảnh do bạn chụp lại thì mới phát hiện ra sinh vật lạ có ở 1 trong 6 bức ảnh đó. Anh Thùy đã đem máy tính bảng đến nhờ bộ phận kỹ thuật của cửa hàng giải thích và nhận được câu trả lời là máy tính bảng anh Thùy đang sử dụng không có bất kỳ chế độ ghép hình sinh vật lạ nào.
"Tôi cam kết không can thiệp đến bức ảnh. Từ khi phát hiện ra sinh vật lạ tôi cũng không dám cho ai mượn máy để bảo toàn hình ảnh. Tôi rất mong có được lời giải thích thỏa đáng về sinh vật lạ trong bức ảnh đó", anh Thùy cho biết.
Để kiểm tra sự trung thực của bức ảnh, chúng tôi đã nhờ đến một số thợ sửa ảnh chuyên nghiệp nhưng hầu hết đều khẳng định, bức ảnh không bị can thiệp bởi photoshop hay bất kỳ ứng dụng nào khác.
Trưa 12/7, anh Thỏa cùng mấy người bạn chụp được “sinh vật lạ”.
Nhà khoa học giải thích
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) sau khi xem bức ảnh có hình sinh vật lạ thì tỏ ra nghi ngờ. Ông không tin sinh vật lạ xuất hiện ở Hà Nội.
Ông Khanh cho rằng, từ trước tới nay thế giới cũng có khá nhiều những giả thuyết về sinh vật lạ ngoài hành tinh. Nhưng cho đến nay, các nhà khoa học chưa giải mã được những giả thuyết đó. Cũng có khá nhiều những hình ảnh có hình sinh vật lạ được cho rằng từ hành tinh khác đến Trái Đất, nhưng hầu hết lại là những hình ảnh đã bị can thiệp bởi công nghệ.
Một trong những hình ảnh được cho là trụ sở của người ngoài hành tinh dưới biển được chụp ở Mỹ vào tháng 6 vừa rồi với một mái vòm phẳng khổng lồ hình bầu dục đã gây xôn xao nước Mỹ. Tuy nhiên, hình ảnh được cho là UFO đã được các nhà khoa học phủ định và cho rằng đó chỉ là hình thù kỳ thú do vận động địa chất mạnh tạo nên.
Tuy nhiên, cũng có nhiều hiện tượng liên quan đến người ngoài hành tinh mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được. Vào tháng 11/1987, một đội khảo sát của Liên Xô đã phát hiện ra gò cát trong biển cát của sa mạc Gô-bi một vật thể bay hình đĩa có đường kính 22,87m. Các nhà khoa học Liên Xô cho rằng, chiếc đĩa bay này đã gặp sự cố từ hàng ngàn năm về trước.
Các thiết bị bên trong kể cả động cơ vẫn còn nguyên vẹn. Trong khoang của đĩa bay đó, các nhà khoa học tìm thấy 14 cái xác của người ngoài hành tinh đã trở thành xác khô. Năm 1950, trên thảo nguyên hoang vu Pan-pô-xơ của Argentina, một chiếc đĩa bay gặp sự cố rơi xuống. Đường kính đĩa bay này khoảng 10m, cao khoảng 4m, khoang người ngồi cao khoảng 2m và có cửa sổ.
Vị trí “sinh vật lạ” xuất hiện trong bức ảnh.
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, những hiện tượng xác thực mà khoa học chưa giải thích được thì cần chờ đợi kết quả thỏa đáng. Tuy nhiên, về bức ảnh sinh vật lạ ở Hà Nội thì lại là chuyện khác, công nghệ lồng ảnh bây giờ hoàn toàn có thể tạo ra một bức ảnh như thật.
Theo đối chiếu, hình ảnh sinh vật lạ ở Hà Nội rất giống với hình ảnh sinh vật lạ trong một bức ảnh từng gây xôn xao ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 3/2013. Tấm ảnh có bóng sinh vật lạ, hơi mờ với đôi mắt to lồi và chân tay mảnh khảnh, mang nhiều nét tương đồng với những nhân vật hành tinh lạ của các bộ phim Hollywood. Bức ảnh đó đã nhanh chóng bị bóc trần bởi công nghệ phần mềm lồng ảnh.
Tuy nhiên, anh Trịnh Văn Thùy người đang giữ bức ảnh có hình sinh vật lạ ở Hà Nội lại khẳng định, máy anh không có phần mềm lồng ảnh. Anh cũng không can thiệp gì đến bức ảnh. Những ngày sau khi phát hiện ra sinh vật lạ trong bức ảnh đó, anh đã rất sợ hãi lẫn tò mò. Nhiều lần anh đem máy ra quán trà đá khu vực cũ để chụp xem có phát hiện gì mới không, tuy nhiên hình sinh vật lạ đã không xuất hiện lại.
Đến nay, anh Thùy vẫn giữ bức ảnh và đề nghị có bản quyền nếu sử dụng.
"Ở Việt Nam chưa có thông tin gì nhiều về người ngoài hành tinh. Còn bức ảnh có sinh vật lạ ở Hà Nội đó chẳng có gì quan trọng cả. Nếu không xử lý bằng tin học thì cũng là hình búp bê bằng nhựa, người ta để ra đấy. Người chụp ảnh đã chú ý đối tượng mình chụp mà không để ý đến hình búp bê đó". TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA)