Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tại sự kiện Google I/O, Google đã giới thiệu phiên bản Android với nhiều điểm mới nhất từ trước đến nay. Hiện chưa rõ số hiệu mà hãng đặt cho phiên bản này, tuy nhiên chúng ta biết được tên của nó là "L Developer Preview". Những tính năng mới tính đến thời điểm hiện tại chủ yếu tập trung vào việc cải thiện giao diện, tăng cường trải nghiệm tự nhiên với các đối tượng trên màn hình, ngoài ra còn có những cải tiến dành cho khu vực thông báo của hệ thống.

1. Material Design

Đây là phong cách thiết kế mới của Google dành cho Android. Các thành phần giao diện của L Developer Preview giờ đây phẳng hơn bao giờ hết. Các icon, nút nhấn, thanh trượt, thanh tìm kiếm đều được làm mới để mang lại trải nghiệm thống nhất xuyên suốt nhiều app khác nhau. Đặc biệt hơn, các lập trình viên chỉ việc đặt những đối tượng này lên giao diện ứng dụng của mình theo thứ tự hợp lý, dựa vào đó Android sẽ tự động tạo hiệu ứng đổ bóng nhằm tạo nên một trải nghiệm y như khi chúng ta nhìn thấy các đối tượng ngoài đời thực.




Chưa dừng lại ở đó, chúng còn có những hiệu ứng rất đẹp và tự nhiên, ví dụ như nút Replay sẽ xoay một vòng khi bạn chạm vào, thanh trượt thì tăng giảm sắc độ màu khi chúng ta kéo sang trái hoặc phải. Google có nói rằng trong cuộc sống thì không có thứ gì tự di chuyển từ nơi này đến nơi khác, do đó công ty bổ sung thêm nhiều hiệu ứng mượt mà khi người dùng chuyển giữa các thành phần trong app cũng như khi chuyển giữa các app với nhau.



Giao diện của hệ thống giờ đây cũng được trang trí với nhiều mảng màu hơn. Như bạn thấy trong hình dưới thì app Gmail đã được cải tiến hoàn toàn, chúng ta có một thanh màu đỏ nằm ở cạnh trên cùng, tương tự cho trình gọi điện. Thanh chức năng của Android, bao gồm nút Back, Home và Recent Apps, cũng được làm mới theo kiểu tròn trĩnh và ngộ nghĩnh hơn.



2. Thông báo mới

Các thông báo trước đây của Android mặc định chỉ xuất hiện trong khu vực thông báo, giờ đây nó còn được mang ra cả màn hình chính của người dùng, tương tự như cách mà iOS hiển thị thông báo. Các Notification này không chỉ xuất hiện ngẫu nhiên mà sẽ theo thứ tự nhất định dựa vào thói quen của người dùng. Android sẽ theo dõi cách thức sử dụng máy, cách bạn tương tác với app để đưa ra những thông tin có tính liên quan cao nhất, sau đó mới đến những thứ ít quan trọng hơn cho chính bản thân bạn.



3. Giao diện app linh hoạt

Giao diện ứng dụng trên Android giờ đây không phải là một khối cứng nhắc nữa. Lập trình viên có thể thiết kế app của mình để các nội dung tự động xuất hiện hoặc biến mất tùy theo tình huống và cách dùng. Ví dụ, trong ảnh bên dưới là trình gọi điện mới. Khi bạn cuộn xuống, ô tìm kiếm sẽ dần dần biến mất, sau đó đến lượt lịch sử cuộc gọi cũng mờ dần đi vào cạnh trên màn hình. Các thẻ nội dung cũng có thể được thêm vào ngay giữa app, không nhất thiết là phải ở trên đầu. Tất cả đều nhắm đến sự linh hoạt và cung cấp cho người dùng một trải nghiệm trực quan nhất.



4. Môi trường chạy ART được chọn làm mặc định

Google đã chính thức chuyển sử dụng bộ máy biên dịch Android Runtime (ART) thay cho Dalvik trong bản Android L Developer mới nhất. Đây là một sự thay đổi lớn bởi kể từ khi ra đời đến nay Android đã luôn dùng Dalvik làm compiler mặc định của hệ thống, và mãi đến cuối năm ngoái ART mới ra đời. Ngay trong danh sách những điểm thay đổi được upload lên website chính thức cũng có ghi là "Dalvik đã chết".

Lợi ích lớn nhất của ART đó là nó cho phép lập trình viên Android tiếp tục viết phần mềm theo như cách mà họ đã làm từ trước đến nay, phần mềm của họ cũng vẫn có thể chạy trên nhiều loại CPU và thiết bị khác nhau, nhưng với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Cảm giác máy sẽ mượt mà hơn. Với các phần mềm cần nhiều sức mạnh tính toán, ví dụ app chỉnh sửa ảnh hay video thì lợi ích sẽ càng rõ ràng hơn nữa. Chưa hết, hiện nay hầu hết thiết bị Android đều sử dụng vi xử lí đa nhân (hai, bốn, tám...). Sự có mặt của ART có thể giúp ứng dụng cần phải kích hoạt ít nhân hơn Dalvik lúc phiên dịch, từ đó dẫn đến việc tiết kiệm pin hơn.

5. Bàn phím mới



6. Khu vực tập trung thông tin từ nhiều nguồn

Đây là tính năng mà chúng ta từng được nghe nói đến với tên mã Hera. Nó là một tập hợp các thẻ nội dung đến từ nhiều nơi, có thể là từ các ứng dụng bạn cài trên máy hoặc từ các trang web, dịch vụ trực tuyến đang mở trong Chrome. Ví dụ, bạn có một thẻ liệt kê tài liệu trong Google Docs, một thẻ khác hiển thị tiến trình của trò Candy Crush, một thẻ nữa thì cho phép xem menu của một nhà lân cận. Nhờ tính năng này mà bạn có thể nhanh chóng truy cập thông tin ở một nơi duy nhất, và nó sẽ thay thế cho khu vực đa nhiệm truyền thốn của Android. Mình sẽ chia sẻ thêm về Hera với các bạn khi có máy trong tay.



7. Nhiều thay đổi khác

Đây là những tính năng mà Google chỉ nói sơ qua, chúng ta hãy cùng điểm xem chúng là gì, còn trải nghiệm thực tế sẽ có trong nay mai khi Google chính thức đăng tải bản ROM dành cho Nexus 5 và Nexus 7 nhé các bạn.
  • Camera có khả năng chụp liên tục
  • Hỗ trợ codec H.265
  • Nhiều hàm API hỗ trợ cho việc hiển thị ứng dụng và nội dung trên TV
  • Cải thiện việc đồng bộ hình ảnh và âm thanh AV
  • Xuất nhạc qua cổng USB
  • Hỗ trợ tốt môi trường chạy 64-bit
  • Cải thiện thời gian dùng pin của thiết bị, dự đoán thời lượng pin còn lại một cách chính xác
  • Chế độ tiết kiệm pin mới (Battery Saver)
  • Hỗ trợ Bluetooth 4.1
  • Nhiều tính năng bảo mật dành cho doanh nghiệp, hàm app để khóa nội dung vào app
  • Chế độ không làm phiền (tắt notification) được tích hợp sẵn vào hệ điều hành
  • Cải thiện khóa xoay điện thoại
  • Tăng cường hiệu năng xử lý đồ họa